Cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ Thái Nguyên bị đề nghị 12-14 năm tù trong vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG
Sau một ngày xét xử và thẩm vấn, cuối ngày 24-12 đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án đối với 3 cựu phó giám đốc sở và 14 bị cáo.
Ông Trần Tùng (cựu phó giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Thái Nguyên) bị đề nghị 7-8 năm tù về tội nhận hối lộ, 5-6 năm tù về tội lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ, tổng hợp hình phạt 12-14 năm tù. Cựu phó giám đốc sở bị đề nghị mức án cao nhất trong 17 người bị đưa ra xét xử.
Bốn người được đề nghị cho hưởng án treo5 người bị xét xử về tội nhận hối lộ gồm: Nguyễn Văn Văn (cựu phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam) và Lê Ngọc Tường (cựu phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam) cùng bị đề nghị 18-24 tháng tù; Lê Thị Phượng (nguyên chuyên viên phòng khoa giáo văn xã Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương) bị đề nghị 24-30 tháng tù; Nguyễn Mạnh Trường (nguyên chuyên viên phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam) bị đề nghị 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) bị đề nghị 2-3 năm tù.
Ông Vũ Hồng Quang, cựu phó phòng vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam, bị đề nghị 3-4 năm tù về tội đưa hối lộ.
Ông Nguyễn Xuân Thông, cựu cán bộ công an, bị đề nghị 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG
Các bị cáo cùng bị đề nghị 2-3 năm tù về tội đưa hối lộ gồm: Nguyễn Mạnh Cương (cựu trưởng phòng thương mại điện tử, Công ty cổ phần Hàng không Vietjet), Bùi Đăng Khoa (giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du Ngoạn), Trương Thị Mỹ Dung (giám đốc Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ du lịch Ánh Sao Thiên), Phạm Quốc Thắng (giám đốc Công ty TNHH PNR), Vũ Hoàng Dũng (lao động tự do).
Cùng tội đưa hối lộ, ông Đặng Nhật Đức, giám đốc Công ty TNHH Top Agent Japan, bị đề nghị 3-4 năm tù.
Hai bị cáo Trần Thị Ngân (chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ana Travel) bị đề nghị 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và Trần Minh Phụng (giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ du lịch và xây dựng Gia Huy) 12-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo
Các bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu đã nhũng nhiễu, buộc doanh nghiệp phải "bôi trơn"Viện kiểm sát đánh giá vụ án chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 là vụ án tham nhũng, chức vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
"Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, làm thay đổi tính nhân văn trong chủ trương đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt trong hoàn cảnh người dân bị mắc kẹt trong đại dịch.
Riêng hành vi che giấu hành vi phạm tội đã gây cản trở quá trình điều tra, làm mất lòng tin của nhân dân", viện kiểm sát nêu quan điểm luận tội.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu giai đoạn 2 - Ảnh: GIANG LONG
Đánh giá vai trò của từng bị cáo, đại diện cơ quan công tố nhận định ở giai đoạn 2 vụ chuyến bay giải cứu, đối với sai phạm xảy ra tại Thái Nguyên, ông Trần Tùng có vai trò chủ mưu cầm đầu, còn Trần Thị Quyên (giám đốc Công ty Sen Vàng Đất Việt) phạm tội với vai trò là người giúp sức tích cực.
Do đó, viện kiểm sát đề nghị mức án cao nhất đối với ông Trần Tùng, 12-14 năm tù cho 2 tội danh.
Theo đại diện cơ quan giữ quyền công tố tại tòa, ở giai đoạn 1 vụ chuyến bay giải cứu, nhiều bị cáo đã bị đưa ra xét xử. Do hết thời hạn điều tra, vụ án được tách ra giai đoạn 2.
Tòa án đưa 17 bị cáo ra hầu tòa thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, tinh thần xử lý sai phạm đến cùng, viện kiểm sát nhận định.